Trước 30, chọn tiết kiệm hay trải nghiệm?

“Tại sao phải tập trung tiết kiệm cơ chứ? Tôi muốn dùng tiền tận hưởng tuổi trẻ, trước khi già đi và tiếc nuối, không thể làm gì thêm, dù có rất nhiều tiền”.

“Nhờ có một khoản tích lũy kha khá, tôi có thể tự xoay xở tốt trong suốt giai đoạn dịch Covid-19. Nếu không, mọi thứ đã đi vào ngõ cụt”.

Câu hỏi “Trước 30 tuổi, nên tiết kiệm hay trải nghiệm?” khiến nhiều bạn trẻ tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội. Không ít người cho rằng cuộc sống vô thường, phải tranh thủ tìm niềm vui trước khi hết cơ hội. Số khác lại nghĩ nhiều hơn cho tương lai và những biến cố bất chợt xảy đến. Thực tế, quan điểm nào cũng đúng, nhưng chưa đủ. Bởi bạn hoàn toàn có thể vừa tiết kiệm, vừa tận hưởng niềm vui cuộc sống nếu biết cân đối trong quản lý tài chính.

Nhất định phải tiết kiệm

Thời gian gần đây, tự do tài chính đã trở thành cột mốc để các bạn trẻ theo đuổi, đặc biệt là Gen Z. 

Đây là trạng thái bạn có nguồn tiền ổn định, có thể chi trả cho mọi thứ bạn muốn, mà không cần phải lo lắng về tình hình tài chính của bản thân. TNEX muốn chia sẻ 3 cấp độ tài chính dễ hiểu nhất mà chúng tôi nghĩ các bạn có thể dựa vào để tính toán cho mình. Các mức bao gồm theo nguồn tin của nền tảng Money With Mina: 

  • An toàn tài chính (financial security): Khi bạn đạt được 1 con số có thể đủ để trả cho các chi phí cần trong cuộc sống. 
  • Độc lập tài chính (financial independent): Đủ để trả cho chi phí cần và chi phí mong muốn (giải trí, du lịch, mua sắm) trong cuộc sống
  • Tự do tài chính: Khi bạn đạt được 1 con số có thể đủ trang trải cho mọi chi phí lối sống “lý tưởng” cho 25-30 năm nghỉ hưu. “Lý tưởng” ở đây sẽ khác nhau với từng người. “Lý tưởng” có thể là du lịch mỗi tháng, hoặc dọn đến 1 nơi nào đó ở mà không cần lo ngại đến tài chính.

Do đó, để hướng đến sự tự do trên, bạn bắt buộc phải tiết kiệm thay vì thả mình trôi theo dòng chảy. Theo bà Mina Chứng từ Money With Mina, người trẻ nên bắt đầu việc tiết kiệm càng sớm càng tốt, ngay từ khi còn đi học, hoặc tính từ những năm đầu từ khi đi làm. Bạn sẽ có lợi thế hơn nhiều so với những ai “nhập cuộc” muộn, hoặc chưa tiết kiệm bao giờ. Đừng đợi đến sau 30, tài khoản rủng rỉnh rồi mới nghĩ đến nhiệm vụ tích cóp vì lúc này đã khá trễ.

Đừng quên trải nghiệm

Khó phủ nhận rằng không có gì xấu khi các bạn trẻ muốn sống YOLO (tận hưởng cuộc đời vì chỉ sống một lần). Tuy nhiên, trải nghiệm phải có mục đích, chứ không thể tùy tiện sắm sửa mà quên đo lường khả năng chi trả của bản thân. Nếu không, niềm vui mang lại từ trải nghiệm này sẽ rất vô nghĩa.

Để hiểu rõ hơn, bạn có thể xem xét ví dụ cụ thể dưới đây:

An là một tín đồ công nghệ chính hiệu. Để mua bàn phím “xịn xò”, anh chấp nhận đánh đổi: cắt giảm tiền đi du lịch, tụ tập, tiệc tùng với bạn bè. Bên cạnh đó, việc mua bàn phím này cũng phục vụ anh trong công việc tay trái là content creator chuyên review đồ công nghệ, gaming. 

Khôn khéo kết hợp cả hai

Như đã nói, lời khuyên phù hợp nhất cho câu hỏi “Trước 30 tuổi, nên tiết kiệm hay trải nghiệm?” là “Hãy khéo léo cân bằng cả hai”. Bởi khi biết cách tiết kiệm, bạn sẽ có hầu bao rủng rỉnh, đáp ứng mọi nhu cầu trải nghiệm phù hợp. Mặt khác, khi trải nghiệm đúng cách, bạn dễ dàng tạo ra nhiều niềm vui cho cuộc sống, lấy kết quả đó làm động lực để tiếp tục duy trì kỷ luật chi tiêu.

Trước mắt, trong 5-10 năm đầu đi làm, bạn trẻ nên tập trung vào tiết kiệm, hay có thể tạm gọi là “khổ trước, sướng sau”. Khi bạn bắt đầu tiết kiệm và có sự kỷ luật đáng kể, các thói quen tốt dần hình thành. Nhờ đó, việc quản lý tài chính dần nhẹ nhàng hơn. Nếu không, những nỗi lo lắng khi nhắc đến tiền bạc sẽ luôn âm ỉ và sớm muộn cũng trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng. Rõ ràng, chẳng ai muốn đợi đến năm 40, 50 rồi mới loay hoay hình thành thói quen dành dụm tiền bạc vì điều đó nghe thật mệt mỏi.

Hành trình xây dựng quỹ tiết kiệm dễ dàng bắt đầu từ những hành động sau:

– Chủ động chuyển 20%, hoặc ít nhất là 10% thu nhập tháng vào tài khoản dành dụm riêng. Nếu chỉ dành dụm được khoảng 5%, bạn đã sống quá khả năng tài chính của mình. Lúc này, những món đồ công nghệ mơ ước bắt buộc phải vào danh sách chờ.

– Xác định các kiểu chi phí: Theo bà Mina Chung, mọi loại chi tiêu đều quy về 2 kiểu như dưới đây. Mọi quyết định tiêu pha gói ghém trong tài khoản có 80% còn lại. Trong đó, hãy dành 50% cho chi tiêu cần, phần còn lại cho các chi tiêu muốn. Lưu ý, cá nhân cần cố gắng gia giảm phần tiền phục vụ giải trí, sở thích hết mức có thể.

Chi phí cần: Bao gồm các khoản chi trả bắt buộc trong đời sống. Ví dụ: tiền điện, nước, xăng, xe, các loại phí liên quan nhà ở…

Chi phí muốn: Những thứ phục vụ xu hướng giải trí, linh hoạt thay đổi tùy lối sống, sở thích của từng cá nhân. Chẳng hạn: xem phim, ăn uống ở nhà hàng, du lịch…

– Tạo quỹ dự phòng song song quỹ tiết kiệm: Hiểu đơn giản, tiết kiệm sẽ dành cho mục đích dài lâu (đầu tư, hưu trí…), còn tiền dự phòng được sử dụng cho một số trường hợp khẩn cấp (hư xe, tai nạn…). Quỹ dự phòng sẽ có giá trị tương đương 3-12 tháng lương, tùy độ tuổi và khả năng dành dụm của từng người.

Bằng cách bắt đầu tích cóp một cách khoa học sớm, bạn có thêm thời gian và “nhẹ gánh” hàng tháng. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý nguyên tắc “đầy thì đẩy”, nghĩa là khi nào hoàn thành mục tiêu quỹ dự phòng thì bạn nên tiếp tục vun đắp cho quỹ tiết kiệm thay vì dừng lại hoặc tiêu xài tùy ý.

– Ngoài ra, hãy nâng tầm bản thân, quan tâm nhiều hơn đến 5 nội dung sau: thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và bảo toàn vốn. Đây là các yếu tố có quan hệ mật thiết, cần được quan tâm cùng lúc nếu cá nhân muốn đảm bảo tiêu dùng thông minh.

Cuối cùng, TNEX mong các bạn có thể sống cuộc đời mình mong muốn với kế hoạch quản lý tài chính cá nhân phù hợp. Trong trường hợp vẫn còn lăn tăn khi bắt tay vào hình thành kế hoạch tài chính dài lâu, bạn có thể “gõ cửa” nhà TNEX để tìm kiếm lời khuyên phù hợp nhé! 

#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX

Xem thêm: Phân biệt Tiết kiệm và Quỹ dự phòng theo độ tuổi

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!