Trong chi tiêu hãy ưu tiên tiết kiệm, không “trôi theo dòng chảy”

Không có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân dài hạn sẽ buộc bạn vào thế “trôi theo dòng chảy”, thiếu sự phòng bị cho những biến cố trong cuộc sống. Để giúp bản thân không lâm vào tình huống bị “cuốn trôi”, không xác định được điểm đến trong tương lai, TNEX sẽ giúp bạn lên kế hoạch tiết kiệm từ bây giờ.

1. Trôi theo dòng chảy trong chi tiêu và những rủi ro

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Mỹ (Bank of America) đối với Millennials cho thấy gần 1 trên 4 người có một khoản tiết kiệm từ 100.000 USD trở lên. Tuy nhiên, trong số những người được khảo sát, có đến 73% không lạc quan về tương lai tài chính của họ. Và chỉ 44% cho biết họ có quỹ tiết kiệm khẩn cấp có thể trang trải ít nhất ba tháng chi phí sinh hoạt.

Một trong những cách quản lý tài chính phổ biến hiện nay là chia thu nhập thành 2 phần: tiêu dùng và tiết kiệm. Bạn có thể trích ra một khoản tiết kiệm trước, và chỉ được phép chi tiêu số còn lại. Tuy vậy, với những cá nhân không có kế hoạch tiết kiệm từ ban đầu, họ sẽ sử dụng hết phần lớn tiền để hưởng thụ, rồi tháng nào có thì tiết kiệm tháng đó.

Cách quản lý tài chính này sẽ khiến bạn bị phụ thuộc vào đồng lương mỗi tháng, bởi phần tiền tiết kiệm sẽ mất rất lâu để tích cóp đủ cho những nhu cầu cao hơn như mua nhà hay xe.

Khi trường hợp bất khả kháng xảy ra như đại dịch Covid-19, hay theo sau là khủng hoảng kinh tế, việc “trôi theo dòng chảy” sẽ khiến bạn mắc phải tình thế khó khăn, không ổn định. Xoay sở nguồn tiền lúc này sẽ là một vấn đề lớn, mà trên thực tế đã có thể giải quyết nếu có kế hoạch tiết kiệm hợp lý hơn trước đây. 

Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá nhiều vào lương cứng sẽ khiến bạn khó đưa ra quyết định nghỉ việc hơn nếu như có vấn đề xảy ra. Bạn có thể sẽ phải tiếp tục guồng quay làm việc mà không có niềm vui, chỉ để giải quyết các khoản chi tiêu trong cuộc sống.

2. Tiết kiệm, đầu tư và tự do tài chính 

Việc quản lý tài chính cần được mở rộng ra ngoài khái niệm “nhận lương – tiêu xài”. Tiết kiệm đi kèm với đầu tư tăng trưởng sẽ giúp bạn luôn có khoản dự phòng và nguồn tiền nhàn rỗi. Bên cạnh các phương pháp tiết kiệm phổ biến như gửi ngân hàng, mua bảo hiểm nhân thọ hay mua vàng tích trữ, hiện nay còn có các hình thức đầu tư khác như chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đại chúng, hay bất động sản.

Tự do tài chính là trạng thái bạn có nguồn tiền ổn định, có thể chi trả cho mọi thứ bạn muốn, mà không cần phải lo lắng về tình hình tài chính của bản thân. Có nhiều cấp độ tài chính từ mức an toàn nhất, đến độc lập tự do tài chính mà chúng ta có thể tìm hiểu trên mạng. TNEX muốn chia sẻ 3 cấp độ tài chính dễ hiểu nhất mà chúng tôi nghĩ các bạn có thể dựa vào để tính toán cho mình. Các mức bao gồm theo nguồn tin của nền tảng Money With Mina: 

  • An toàn tài chính (financial security): Khi bạn đạt được 1 con số có thể đủ để trả cho các chi phí cần trong cuộc sống. 
  • Độc lập tài chính (financial independent): Đủ để trả cho chi phí cần và chi phí mong muốn (giải trí, du lịch, mua sắm) trong cuộc sống
  • Tự do tài chính: Khi bạn đạt được 1 con số có thể đủ trang trải cho mọi chi phí lối sống “lý tưởng” cho 25-30 năm nghỉ hưu. “Lý tưởng” ở đây sẽ khác nhau với từng người. “Lý tưởng” có thể là du lịch mỗi tháng, hoặc dọn đến 1 nơi nào đó ở mà không cần lo ngại đến tài chính.

Tiếp theo đó, bạn có thể xác định số tiền mình cần tiết kiệm theo nguyên tắc 25x. Ví dụ mức đầu tiên “An toàn tài chính” nếu mỗi tháng số tiền bạn cần để đảm bảo trả đầy đủ các chi phí thiết yếu trong cuộc sống là 10 triệu, thì 1 năm bạn sẽ cần 120 triệu. 120 triệu nhân với 25 lần sẽ là 3 tỷ. Vậy, số tiền bạn cần để an toàn tài chính sau nghỉ hưu sẽ là 3 tỷ nếu bạn đặt đây là mức “An toàn tài chính” cho bản thân. Lưu ý, đây chỉ là số tiền cần tiết kiệm ở cấp độ 1. Nếu bạn muốn giải trí, trải nghiệm… thì cần cộng thêm chi phí để ra con số cần chuẩn bị từ bây giờ.

Nếu chỉ đơn thuần kiếm tiền và tiêu xài thì bạn chỉ có thể ở cấp độ 1  – dừng lại ở việc nắm được tình hình tài chính bản thân và tự trang trải cho cuộc sống bằng lương và các khoản vay nợ. Kết hợp với việc tiết kiệm và đầu tư thì bạn có thể giúp bản thân đạt mục tiêu cấp độ 2 trở lên, sẽ tận hưởng tự do tài chính từ cấp độ 3  – khả năng dự trữ các quỹ khẩn cấp, tiếp tục đầu tư ngắn hay dài hạn. Tiếp tục lộ trình tiết kiệm hợp lý, bạn sẽ leo dần lên các cấp độ cao hơn, có thể chăm sóc được cho người thân, cho mình cơ hội nghỉ việc nếu thấy chán, cũng như thoải mái thưởng cho bản thân nhà cửa, xe cộ, hay các chuyến du lịch.

3. Bắt đầu tiết kiệm và đầu tư như thế nào?

Chiến lược quản lý và phát triển tài chính cá nhân của mỗi người sẽ khác nhau, tùy thuộc vào năng lực, điều kiện và hoàn cảnh. Tuy nhiên, TNEX có một lưu ý chung, rằng bạn không nên bỏ hết trứng vào một giỏ. Đây là lời khuyên về việc đa dạng hoá các nguồn gửi tiết kiệm cũng như các danh mục đầu tư, để giảm thiểu tối đa rủi ro của một nguồn nhất định. 

Việc phân chia các khoản tiền hợp lý cũng sẽ giúp bạn quản lý ngân sách của bản thân tốt hơn. T. Harv Eker – tác giả của cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú đã nghĩ ra quy tắc 6 chiếc lọ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Bạn sẽ chia tiền thành 6 cái lọ, ví von cho 6 quỹ tài chính tách biệt hoàn toàn với nhau. Mỗi khi nhận được lương hoặc bất kể nguồn thu nhập nào, bạn sẽ chia khoản tiền này vào 6 quỹ theo công thức: 

  • Nhu cầu thiết yếu: 55%
  • Quỹ tự do tài chính: 10%
  • Tiết kiệm dài hạn: 10%
  • Giáo dục đào tạo: 10%
  • Hưởng thụ: 10%
  • Giúp đỡ người khác: 5%

Ví dụ, lương tháng này của bạn là 10,000,000 VNĐ. Trừ các nhu cầu thiết yếu (55%), bạn sẽ còn lại 4,500,000 VNĐ. 500,000 VNĐ sẽ được dùng để gửi tặng những người cần giúp đỡ (5%). 4,000,000 VNĐ còn lại, bạn sẽ chia đều cho các đầu mục: quỹ tự do tài chính, tiết kiệm dài hạn, giáo dục đào tạo và hưởng thụ. Mỗi đầu mục nắm 1,000,000 VNĐ (10%).

Ngoài ra, còn nhiều quy tắc khác như 50-30-20 hoặc 80-20 hoặc 4 danh mục quỹ (chi tiêu, an toàn, ăn chơi, đầu tư). Quy tắc nào cũng được, miễn bạn thấy nó phù hợp với mình, mình hiểu nó, và sẽ kỷ luật lâu dài với nó.

Theo sát bảng chỉ dẫn này sẽ giúp bạn bớt hoảng loạn khi “không biết tiền đang bay về đâu”. Nắm được các nguyên tắc này và thực hành thường xuyên sẽ tạo cho bạn thói quen tiết kiệm và quản lý chi tiêu tốt hơn. TNEX chúc bạn không bị cuốn theo bởi “dòng chảy” của thời đại.

#loisong #meocach #suckhoe #thoiquen #TNEX

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!