Tốn tiền với những khoản chi tiêu nhỏ: chuyện bé xé ra tiền to

Những khoản chi tiêu nhỏ mà chúng ta vẫn luôn cho là không đáng là bao, đôi chút mang lại niềm vui vẻ và thoải mái lại khiến chúng ta “tái mặt” khi nhìn vào số dư cuối tháng.

Vậy vì sao chúng ta hay tốn tiền với những khoản chi tiêu nho nhỏ để rồi nhận lời mình đã trót tiêu số tiền khá lớn? Hãy theo chân TNEX để cùng đào sâu nguyên do và nhận được những bí kíp xịn sò để chi tiêu thông thái hơn nhé!

Chi tiêu nhỏ – có phải là chuyện nhỏ?

Những khoản chi tiêu nho nhỏ của bạn thường sẽ rơi vào những hố nào? Rất quen thuộc đấy nhé! Điểm danh xem bạn chi vào đâu nào:

Tiền cà phê/trà sữa: món thức uống quen thuộc và yêu thích của rất nhiều người. Xa là nhớ, gần là mê. Cứ mỗi sáng với ly cà phê 15.000đ, bạn đã tiêu tốn 450.000đ/tháng.

Tiền ăn ngoài: điều này xảy ra ở nhóm người trẻ là chính. Do không có nhiều thời gian cũng như không gian để nấu nướng nhiều nên các bạn rất thích việc ăn ngoài, đồng thời việc “lười” nấu và muốn ăn đa dạng món cũng dễ bắt gặp. Nếu đôi ba lần thì chẳng sao nhưng nếu ngày nào, tuần nào cũng “đều như vắt chanh” thì cũng đáng báo động đỏ nhé.

Tiền giải trí: có thể là tiền ca hát karaoke, xem phim rạp, sân khấu kịch,… Nếu bạn chi tiêu cho khoản này quá nhiều chiếm hơn 30% thu nhập cá nhân thì quả thực hơi “quá tay”.

Tiền làm đẹp: đối với tín đồ mê làm đẹp, họ sẽ luôn trông chờ vào việc ra mắt các sản phẩm trang điểm mới và muốn sở hữu chúng “ngay và luôn”. Ngoài ra, các chi phí cho việc gội đầu dưỡng sinh, làm móng tay, chăm sóc da tại các spa,… cũng có chi phí trung bình từ 150.000đ – 1.000.000đ trở lên tùy thuộc gói dịch vụ bạn muốn làm. 

Tiện ích hàng tháng: đó có thể việc đóng phí xem gói Netflix hay tiền nạp game online. Hoặc phí duy trì truyền hình cáp, thường phí này rơi vào khoảng 200.000đ – 300.000đ. Đối với các mọt phim, đây là khoản chi hợp lý vì thỏa mãn được nhu cầu và sở thích xem phim, nhưng với những ai ít thời gian hoặc không đam mê phim ảnh lắm thì cũng cần phải cân nhắc.

Ngoài ra, còn các chi phí khác như tiền phí điện thoại, mạng 4G và Internet tại gia,… cũng là những khoản chi tiêu nhỏ hàng tháng của bạn. Thế nhưng, cùng quay trở lại với câu hỏi: “Bạn đang chi tiêu CẦN hay MUỐN?”

Bạn có đang bị thao túng tâm lý?

Nghe có vẻ khá vô lý nhưng hãy cùng TNEX đi qua các hiệu ứng tâm lý thường gặp và một vài bí kíp giúp bạn tỉnh táo sau đây nhé!

Rơi bẫy thoải mái với hiệu ứng Lipstick Effect

Lipstick Effect (hiệu ứng son môi) ám chỉ việc bạn ngừng mua những sản phẩm có giá trị cao tương đương mức phí phải bỏ ra vô cùng lớn như xe cộ, đồ công nghệ, đồ gia dụng như máy lạnh, TV, tủ đông,…Lúc này, bạn tiết kiệm được kha khá tiền nhàn rỗi và rồi bạn bị “giăng bẫy” bởi những mặt hàng ít tiền hơn, ví dụ như một cây son môi chẳng hạn.

Đúng là bạn chẳng đủ tiền cho những mặt hàng xa xỉ nhưng những món đồ có giá trị thấp và có thể chẳng cần thiết lại “chào mời” và thu hút bạn mọi ánh nhìn? Thế là bạn mua và nghĩ: “Chỉ là một cây son thôi mà!”.

Vấn đề ở đây đó là khi bạn vẫn chi tiền cho những khoản nhỏ thuộc về sở thích trong thời kỳ suy thoái kinh tế hoặc khi có chút tiền nhàn rỗi. Nhờ đó, các công ty đã sử dụng hiệu ứng son môi như một phương án Marketing thần kỳ để sống sót và phục hồi dẫu suy thoái kinh tế. Có thể lấy ví dụ từ thương hiệu L’Oreal đạt doanh thu đứng thứ 4 trong làng mỹ phẩm thế giới với con số 33,34 tỷ đô vào năm 2020 – thời gian dịch Covid bùng nổ toàn cầu.

Mách nhỏ: Vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ “bạn đang chi tiêu CẦN hay MUỐN”, nếu có tiền nhàn rỗi thì bạn thử xem xét các phương án sinh lời khác xem. Đừng khiến đồng tiền “bận rộn” chạy ra ngoài vô ích, hãy để chúng làm việc và sinh sôi mỗi ngày qua các kênh đầu tư.

Latte Factor: tích tiểu thành đại

Latte factor ý chỉ về các khoản chi tiêu “chẳng đáng để ta quan tâm”, nhưng nếu cộng dồn lại theo thời gian, nó trở thành khoản tiền lớn mà ta đáng lẽ bạn có thể bỏ ống heo hay đầu tư. Thực tế cho thấy, khoản phí này hoàn toàn có thể được cắt giảm và loại trừ vì chúng không thực sự thiết yếu.

Latte factor được sáng tạo dựa trên cụm từ “latte” – loại thức uống ưa thích của dân công sở mỗi sáng. Giá một ly cà phê thường chỉ là “muỗi” so với tiền lương mà bạn bù đầu kiếm được nhưng rồi bạn sẽ giật mình khi ghi chép và cộng dồn lại. 

Tương tự như vậy, mỗi loại đồ uống sẽ có giá thành khác nhau. Đồ uống có ga có giá dao động từ 20.000đ – 30.000đ, trà sữa từ 30.000đ – 60.000đ,… Ngoài ra, thương hiệu cũng mang tính quyết định giá tiền, đơn giản theo giá của Starbucks, 1 cốc cà phê có giá 80.000đ. Mỗi ngày 1 cốc như thế, 1 tháng bạn tốn 2,4 triệu và 1 năm là 29 triệu.

Thử tính xem nếu bạn đều đặn gửi vào ngân hàng 2,4 triệu tháng thì sao nhỉ? Sức mạnh lãi kép 5%/năm trong vòng 10 năm đều đặn thì bạn đã có trong tay khoảng 376 triệu. Ngưng uống Starbucks có thể mang lại cho bạn khoản tiền khổng lồ phết đấy chứ!

Hoặc nhìn cách khác, nếu số tiền 80.000 đồng mỗi ngày bạn đầu tư vào chứng chỉ quỹ, chỉ với lợi nhuận mỗi năm là 8% (khá hơn tiết kiệm ngân hàng), 10 năm sau số tiền thay vì chi tiêu không cần thiết này này đã trở thành gần 500 triệu vốn nhàn rỗi cho bạn. 

Giờ thì bạn hiểu tại sao, tiền lương của bạn rất cao nhưng bạn luôn cảm thấy thiếu tiền bởi Latte Factor là “tên trộm” âm thầm móc túi bạn.

Mách nhỏ: thử thay đổi thói quen. Thay vì mua cà phê tiệm mỗi sáng, hãy thử pha cà phê tại nhà bằng phin hoặc dùng cà phê hòa tan. Cắt giảm trà sữa và nước ngọt nếu được, luôn mang theo nước uống theo bên mình. Ngoài ra, đối với dân văn phòng, việc mang theo thức ăn tự nấu cũng giúp tiết kiệm được nhiều chi phí.

Đánh lừa bản thân giữa CẦN và MUỐN

Một điều quen thuộc gửi bạn: Chi tiêu = Thu nhập – Tiết kiệm

Chi tiêu cần = 30% tổng chi tiêu

Chi tiêu muốn = 20% tổng chi tiêu

Vậy làm sao để biết mình đang chi tiêu CẦN hay MUỐN? Hãy tự hỏi “Thiếu nó, mình sẽ thế nào?”

Thiếu tiền mua thức ăn hàng ngày, bạn có kiệt sức vì đói?

Thiếu tiền cà phê mỗi sáng, bạn có làm việc hiệu quả?

Thiếu tiền đổ xăng, bạn sẽ thay thế như thế nào? Nó có tiện lợi cho bạn không?

Thiếu tiền đi gội đầu tiệm, bạn có tự mình làm được ở nhà không?

Thiếu tiền đi làm móng tay, có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?

Thiếu tiền đóng Netflix tháng này, bạn có cảm thấy ổn không?

Thế nhưng, dẫu cho đôi khi chúng ta biết rõ tường tận nhu cầu cá nhân của mình, bạn có thể đang mắc kẹt vào việc tự đánh lừa bản thân mình. Bạn quá yêu thích món đồ ấy dù biết mình sẽ “cả thèm chóng chán” hay không cần thiết ngay bây giờ?

Điều này cần lắm vào sự kỷ luật và mục tiêu tài chính của bạn. Hãy tự hỏi nếu tương lai lâu dài, mình vẫn chi tiêu với những khoản lãng phí, mình sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền, số tiền ấy có đủ cho mình nghỉ hưu, quỹ dự phòng của mình thế nào?

Mách nhỏ: Bản chất của việc chi tiêu này nằm ở yếu tố tâm lý. Vì vậy để kiểm soát được nó, chúng ta cần nắm được động lực thúc đẩy bản thân chi tiêu những khoản này. 

Tổng kết

Việc chi tiêu sẽ trở nên nhẹ nhàng và thông thái hơn nếu như bạn có thể kiểm soát và thay đổi thói quen chi tiêu vô thức. Mong qua bài viết này, bạn có thể bỏ túi những kiến thức tài chính hết sức thân quen và dễ nhớ.

TNEX là ngân hàng thuần số cung cấp dịch vụ tài chính miễn phí và thuận ích sống dành cho người Việt, TNEX giúp bạn tận hưởng tháng năm rực rỡ của thanh xuân với những tính năng vượt trội giúp bạn quản lý thu nhập tài chính với độ an toàn thông tin cực kỳ cao và tránh rủi ro.

#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX

Xem thêm: Gen Z lần đầu nếm mùi “lạm phát”

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!