TÌM HIỂU VỀ CÔNG VIỆC DATA ANALYST

Thế nào là Data Analyst và những thông tin xung quanh nghề này?

Data Analyst về cơ bản được gọi là Chuyên viên phân tích dữ liệu, là những người làm trong lĩnh vực Phân tích dữ liệu (Data Analysis). Họ là những người chịu trách nhiệm tổng kết những thông tin, số liệu của một doanh nghiệp/thị trường và phân tích chúng để trở thành insight, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Về cơ bản họ chính là cầu nối giữa data và phía doanh nghiệp, cũng như là những người làm quản trị.

Trên thị trường hiện nay, ở bất kỳ ngành nghề từ các công ty công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ, y tế và cả giáo dục cũng đều quan tâm đến data. Điều đó chứng tỏ cơ hội việc làm trong ngành nghề này đang ngày càng rộng mở và có tiềm năng phát triển cho rất nhiều người.

Không chỉ vậy, mức lương cho các Chuyên viên phân tích dữ liệu nói riêng và các vị trí khác trong ngành Data cũng rất hứa hẹn. Theo trang Glassdoor.com, mức lương chung bình hàng năm của một Data Analyst tại US là khoảng $68,500 tương đương hơn $5700/tháng. Đây chắc chắn không phải là một mức lương nhỏ so với các ngành nghề khác, và điều này lại càng làm Data Analyst cũng như Data trở thành ngành “hot”, đang được nhiều người nhắm đến hơn bao giờ hết.

Làm thế nào để trở thành một Data Analyst?

Sau khi biết được mức lương cũng như cơ hội công việc trong ngành Data, chắc hẳn bạn chỉ muốn biết làm thế nào để trở thành một Data Analyst. Tuy nhiên, song hành cùng những ưu thế về lương cũng như cơ hội cũng chính là những tiêu chuẩn khắc nghiệt để có thể làm một Chuyên viên phân tích dữ liệu.

Trình độ học vấn

Vì đặc thù công việc sẽ cần người lao động phải nắm được những kiến thức chuyên môn cao hơn hẳn những công việc khác nên đối với một Data Analyst, trình độ cũng như nền tảng học vấn là một yêu cầu được chú trọng.

Với một nhà tuyển dụng, khi tìm kiếm một ứng viên cho vị trí này, họ thường chú ý tới việc bạn học đại học từ đâu, có phải là một ngôi trường, ngành học chuyên về toán, về công nghệ thông tin hay về nghiên cứu thị trường,… Bởi vậy, nếu bạn có đam mê và hứng thú với ngành nghề này, hãy bắt đầu tìm hiểu những ngành học liên quan tại các trường đại học từ sớm. 

Tuy nhiên, bên cạnh lựa chọn học vấn truyền thống tại các trường đại học, nhiều người cũng có thể lựa chọn các phương pháp học tập cá nhân (VD: các khóa học trực tuyến, các khóa học từ học viện, trung tâm, các video trên Youtube,…). Đây cũng là cơ hội dành cho những người đi làm từ ngành khác muốn chuyển hướng sang Data.

Thêm vào đó, bạn cũng có thể tìm đến những công ty có thể chấp nhận vừa làm vừa đào tạo cho nhân viên để bắt đầu. Hãy luôn nhớ liên tục đầu tư thêm thời gian học thêm và nghiên cứu thêm về ngành này, càng biết thêm nhiều bao nhiêu, bạn sẽ càng trở nên thành thục trong ngành bấy nhiêu.   

Kinh nghiệm và kỹ năng

Làm Data Analyst có cần nhiều kinh nghiệm không? Thực chất, không chỉ với Data Analyst mà cả bất kỳ công việc nào khác, kinh nghiệm là một điều cần thiết. Dù bạn là một người tự học về Data hay kể cả là người có bằng cử nhân chính quy liên quan đến CNTT, thì bạn cũng không thể có một công việc lương cao luôn được. Bởi vậy hãy bắt đầu một cách chậm rãi, kiên nhẫn, từ những vị trí thấp hơn để kiếm thêm kinh nghiệm rồi mới tiến lên những vị trí cao hơn. 

Hơn nữa, kinh nghiệm cũng có thể kiếm được từ những hoạt động khác nhau liên quan đến lĩnh vực này, chứ không phải chỉ từ một công việc trong quá khứ. 

Chẳng hạn bạn có thể tham gia các sự kiện từ trường, các khóa học về Data Analysis (Phân tích dữ liệu) có giấy chứng nhận, hay là tham gia vào một cuộc thi, một dự án riêng lẻ về phân tích dữ liệu với bạn bè với bạn bè. Tất cả chúng đều có thể hỗ trợ bạn có thêm kinh nghiệm trong công việc sau này. 

Kỹ năng khác

Và thêm vào đó, để trở thành một Data Analyst, bạn sẽ cần biết một vài kỹ năng cơ bản sau đây:

  • Đầu tiên là kỹ năng sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và code cơ bản để xử lý các mô hình dự báo (predictive models): SQL, SAS, Python, Excel…
  • Thứ hai là kỹ năng sử dụng các công cụ visualize để chuyển hóa dữ liệu thành dạng graphics: Excel, Tableau,…
  • Cuối cùng là kỹ năng chuyển hóa dữ liệu thành actionable insight.

Bên cạnh đó bạn cũng cần nắm rõ về doanh nghiệp cũng như cấu trúc dữ liệu của công ty và bạn phải hiểu được doanh nghiệp ấy đang cần gì để có thể đưa ra được những gợi ý, giải pháp kinh doanh từ data phù hợp nhất.

Đam mê và quyết tâm trong công việc

Khác với hai yếu tố trên, đam mê và quyết tâm với Data Analysis là điều xuất phát từ chính bạn. Với một công việc như Data Analyst, sẽ không tránh khỏi những lúc bạn cảm thấy đau đầu, hay bế tắc với những con số, và bạn chỉ muốn bỏ cuộc.

Tuy nhiên, một khi bạn đã bắt đầu với Phân tích dữ liệu chắc chắn bạn đã phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức của mình trước đây, bởi vậy hãy luôn giữ trong mình đam mê, sự kiên nhẫn cũng như quyết tâm với nghề, lấy chúng làm động lực để đi tiếp. 

Bạn có phải người phù hợp để trở thành một Data Analyst?

Sau khi đã có thêm kiến thức về nghề Data Analyst vậy liệu bạn muốn biết liệu mình có phải là một người phù hợp cho vị trí này? Nếu có, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi dưới đây:

Bạn có phải là một người kiên trì?

Một Data Analyst phải luôn giữ được sự kiên trì trong công việc, bởi họ sẽ phải đào sâu, tìm hiểu mọi khía cạnh của một tập số liệu để đưa ra được câu trả lời tốt nhất. Việc này có thể phải mất hàng giờ hoặc có thể nhiều ngày, bởi vậy tính kiên trì sẽ là yếu tố cần để trở thành một Chuyên viên phân tích dữ liệu.

Bạn có phải là một người thích thử thách?

Liên tục phải tiếp nhận những “bài toán” về số liệu hàng ngày từ các nhà quản trị để có thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chính là những thử thách mà Data Analyst thường gặp.

Bạn có phải là người thích làm việc với máy tính và số liệu?

Hãy cân nhắc về sở thích cũng như tính cách của bản thân, nếu bạn là người hướng ngoại, thích đi nhiều, gặp nhiều người thì có thể bạn sẽ không phù hợp với nghề này. Bởi các Chuyên viên phân tích dữ liệu thường sẽ làm việc trong văn phòng, và dành rất nhiều thời gian với máy tính và các con số.

Ngoài ra bạn cũng nên tìm hiểu về ngành này từ những người xung quanh, từ các hội nhóm cộng đồng, đọc thêm tin tức để hiểu thêm nhiều khía cạnh về công việc này.

Nếu câu trả lời của bạn cho tất cả những câu trả lời trên là “Có”, cũng như có thôi thúc mạnh mẽ muốn được tìm hiểu, trải nghiệm trong ngành này, thì TNEX chào mừng bạn tới thế giới của “Phân tích dữ liệu”.

Nguồn: Tổng hợp

 

#nghenghiep #huongnghiep #TNEX

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!