Làm chủ hay làm thuê, làm sao quyết định được?

Chuyện làm thuê – làm chủ với 1001 câu chuyện buồn vui sướng khổ khác nhau quả thực không còn xa lạ với các bạn trẻ gen Z. Dẫu biết mỗi người sẽ có một định hướng sự nghiệp khác nhau thế nhưng đã có không ít những dao động “rung rinh” tận sâu trong trái tim trẻ nhiệt huyết.

Trước khi dấn thân, chuẩn bị là điều cần thiết. Hãy cùng khám phá xem làm sao để quyết định về việc làm thuê – làm chủ cũng như những tips “tẩm bổ” tinh thần của bạn nhé!

Làm việc với bản thân trước tiên

Dù bạn muốn làm công việc nào hay muốn bắt đầu từ đâu thì việc hiểu mong muốn và vạch ra một lộ trình với mục tiêu cụ thể là điều cần phải có. Nói rõ hơn, bạn cần phải hiểu chính mình, tất nhiên, đây sẽ là việc dài lâu cả đời. Nhưng nếu bạn không hiểu mình, mơ hồ về định hướng thì việc thất bại hoặc “vỡ mộng” hoàn toàn có thể xảy ra.

Bạn có thể dành thời gian để trả lời một vài những câu hỏi như:

  • Mình muốn làm công việc cụ thể là gì?

Ví dụ muốn đi khởi nghiệp bán đồ ăn hay đi làm nhân viên tài chính tại một ngân hàng lớn?

  • Bạn đang có những thế mạnh nào để làm công việc đó? 

Ví dụ bạn tốt nghiệp quản trị kinh doanh, gia đình có nền tảng kinh doanh sẵn nên kiến thức khởi nghiệp bạn khá tốt. Hoặc bạn là người có khả năng viết lách tốt, muốn đi làm chức vụ Content Writer cho doanh nghiệp.

  • Bạn cần những yếu tố nào khác để làm việc đó?

Ví dụ làm chủ cần nắm vững kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp hoặc kiến thức tài chính khởi nghiệp, bạn đã có chưa?

  • Bạn đã có khoản tiết kiệm hay nguồn vốn sẵn có nào chưa?
  • Mục đích tài chính của bạn là như thế nào? Số tiền cụ thể mà bạn muốn đạt được theo mốc độ tuổi là bao nhiêu? 

Ví dụ bạn muốn mua căn nhà trị giá 4 tỷ đồng năm 30 tuổi hay nghỉ hưu sớm năm 50 tuổi?

  • Khởi nghiệp và trở thành người chủ – liệu có phải mục tiêu sau này của bạn hay không? 

Phía trên là một vài câu hỏi TNEX gợi ý để bạn trả lời cho chính mình trước khi đưa ra quyết định MUỐN LÀM GÌ. Bạn biết được điều mình mình muốn làm rồi đúng không nào? Tiếp đến, thẳng thắn nào, bạn có thể LÀM ĐƯỢC GÌ?

Bạn có nhiều ý tưởng đẹp, thú vị và “chắc mẩm” nó sẽ giúp bạn kiếm bộn tiền. Nhưng bạn đâu thể chỉ “vẽ” và mơ ước đúng không? Bạn cần làm những gì, làm sao để ý tưởng ấy từ trên giấy bước đến hiện thực và tạo ra được thu nhập, đó là cả một hành trình đấy.

Thử xem nhé, giả sử bạn có ý tưởng về cà phê muối. Bạn thử hỏi xem:

  • Bạn có biết pha cà phê không? Loại cà phê bạn chọn là gì? Có dễ mua không?
  • Bạn có đủ vốn để thành lập chưa? Nếu chưa, bạn tính sao? (đi vay, kêu gọi bạn bè hùn vốn,…)
  • Bạn đã có mặt bằng chưa? Hay bạn chỉ muốn 1 chiếc xe đẩy bé xinh, cơ mà một chiếc bao nhiêu tiền ấy nhỉ?
  • Bạn có bàn ghế cho khách ngồi chưa? Ghế nhựa hay ghế gỗ? Hay chỉ là take away?
  • Bạn có đủ thời gian dành cho quán cà phê của mình không? 
  • Ai sẽ là khách hàng đầu tiên của bạn? Mời bạn bè ủng hộ trước tiên ư?

Sẽ có cả tá câu hỏi nữa đấy bạn ơi, nhưng đừng lo nhé vì nếu bạn yêu và muốn làm thì chẳng gì cản nổi bước chân phi thường của bạn cả!

Quyết định cuối cùng sẽ tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, mong muốn, năng lực, nền tảng cá nhân bạn đã và đang có, việc hiểu bản thân là bước đầu tiên giúp bạn định hình giá trị và xây dựng “bản đồ” đến với công việc mơ ước. Một điều nữa, chúng ta chẳng thể đoán trước được tương lai, về ngày mai, về cơ hội tiềm năng cùng rủi ro sắp “đổ ập” vào bạn, nhưng bạn hoàn toàn chủ động được trong việc chuẩn bị và sẵn sàng welcome mọi thứ.

Nếu làm chủ, bạn sẽ cần chuẩn bị gì?

Dạo gần đây trên mạng xã hội, các “giang cư mận” đã truyền tay nhau câu nói khiến nhiều người thích thú “Những người đã nghỉ việc để khởi nghiệp hãy gửi lời khuyên tới người đang muốn nghỉ việc để khởi nghiệp…” Nhân đây, đã có rất nhiều những câu chuyện “cười ra nước mắt” với những người chủ doanh nghiệp thuở mới làm chủ cũng như những chia sẻ chân thật về sự thật khốc liệt mà họ phải đối mặt khi kinh doanh.

Việc khởi nghiệp không phải dành cho các tay mơ, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực, công sức, tiền bạc, thời gian đầu tư một cách xứng đáng. Hơn hết, bạn cần phải có một kế hoạch thật rõ ràng và chi tiết cho từng đầu mục như: Vận hành – Quản lý, Tài chính – Kế toán, Marketing, Nhân sự,… Bạn thật sự cần một cái nhìn tổng quan chung và các kiến thức cho mỗi hạng mục. Dù bạn là sếp nhưng thừa nhận bạn không phải thần thông “biết tuốt” tất cả các lĩnh vực, vì vậy bạn cần một đội ngũ nhân sự và các partners đồng hành cùng mình.

Ngoài ra, không ít người chủ tâm sự rằng nhân viên bình thường làm 8 tiếng/ngày, tăng ca thêm 2 – 3 tiếng là cùng nhưng chính họ có khi phải làm trong 13 – 15 tiếng/ngày, hoặc 24/7 với cường độ công việc cao khiến họ không có đủ thời gian ăn uống, ngủ nghỉ, phải tạm gác các việc giải trí cá nhân sang một bên để hoàn tất sao cho kịp tiến độ. Chị Kim Ngọc – startup thương hiệu bánh healthy Yoga Baked tại TP. Hồ Chí Minh từng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi cho biết chị đã có thời gian không đi chơi trong suốt 7 năm khởi nghiệp để đạt được thành công hiện tại. Điều này nói ra không phải “dọa” bạn đâu, mà đây chính là những thực tế mà người làm chủ phải đối mặt và chấp nhận. 

Có cả ngàn lẻ một câu chuyện, tình huống trớ trêu xảy ra trong quá trình kinh doanh khiến những người chủ phải có sự tự tin nội tại, bản lĩnh và linh hoạt để xử lý. Có thể thấy từ case study của Vua Cua, ngay dưới bài đăng “bóc phốt” cực kỳ giận dữ về chất lượng sản phẩm không tương xứng với giá tiền đã bỏ ra, lập tức CEO của Vua Cua – chị Đoàn Thị Anh Thư đã “xông pha vào trận mạc” bình luận ngay dưới bài “phốt” để giải thích, gửi lời xin lỗi và mong muốn đền bù đến vị khách. Động thái này cho thấy Vua Cua rất cầu thị, tôn trọng và biết lắng nghe ý kiến khách hàng, đã khiến nhiều người vỗ tay tán thưởng, sau đó vị khách hàng kia cũng đã bỏ qua và hài lòng với phần đền bù.

Tóm lại, nếu muốn làm chủ bạn cần trau dồi kiến thức, bản lĩnh, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm và bền bỉ đến từng giây phút cuối cùng. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng với “đứa con” của bạn bởi đó không chỉ là của riêng bạn mà là của cả những người khác nữa.

Hoặc nếu muốn, bạn vẫn có thể “thử sức” mình ngay trong lúc vẫn còn làm thuê, mỗi ngày dành một giờ để học hỏi, chuẩn bị những điều cơ bản nhất cho startup của mình trong vòng 6 tháng. Bạn cứ “túc tắc” làm từng chút một và rồi đánh giá xem công việc “làm chủ” của mình có khả thi không. Đó là cách bạn “tập quen, tập yêu và tập kiên nhẫn” với khát khao khởi nghiệp của mình đấy!

Nếu làm thuê, thì sao?

Làm thuê, có lẽ đây cũng là một lựa chọn khởi đầu của rất nhiều các bạn trẻ trước khi tiến đến “bước nhảy đột phá” trong sự nghiệp của mình. Việc làm thuê cho chúng ta những kinh nghiệm, các mối quan hệ, góc nhìn và xây dựng nền tảng giá trị sống trên nhiều khía cạnh.

Mỗi người sẽ có một mục đích đi làm khác nhau. Có người muốn thăng tiến và trở thành “người không thể thay thế” trong công ty, người lại muốn có được mức lương hậu hĩnh xứng với năng lực và cũng không hiếm người đi làm vì hai chữ “đam mê”. Tùy vào từng mục đích, bạn sẽ kế hoạch và chuẩn bị cho từng giai đoạn khác nhau. 

Ví dụ như sau 3 – 5 năm làm việc, bạn muốn lên chức Quản lý hoặc Senior với một mức lương từ 20 – 30 triệu/tháng chẳng hạn.

Thế nhưng, dù đi làm thuê nhưng hãy trang bị cho mình tư duy làm chủ. Đó là sự tận tâm, linh hoạt, chủ động, khiêm tốn và không ngừng học hỏi, “làm mới” bản thân và kiến thức chuyên môn của mình. Nếu bạn đã và đang rèn luyện những điều ấy, thì xin chúc mừng bạn chắc chắn sẽ được công nhận và nhận được thù lao xứng đáng. Còn nếu trong trường hợp, bạn cố gắng mà sếp không thèm để tâm thì bạn có thể trao đổi trực tiếp và đề xuất mức lương mong muốn, nếu đôi bên không đạt được thỏa thuận, bạn có thể cân nhắc việc rời đi. Hoặc trong tình huống khủng hoảng, bạn không muốn rời đi nhưng vẫn có thể bị layoff mất việc. Nếu chuyện ấy xảy ra, bạn sẽ cảm thấy như thế nào, bạn đã có phương án B cho mình hay chưa?

Làm thuê là một trong những cơ hội tốt để bạn học tập và phát triển, đặc biệt những người sếp tốt sẽ là những mentor/coach giúp bạn thăng tiến trong nhiều mặt. Đừng bỏ lỡ bất cứ khoảng thời gian vàng nào lúc này nhé! Đừng quên, “người tính không bằng trời tính” nhưng hãy cứ tính cho mình một kế hoạch B nhé!

Tổng kết:

Việc làm thuê hay làm chủ sẽ tùy thuộc vào từng quyết định, mong muốn và khả năng của bạn trong từng thời điểm. Nếu bạn sẵn sàng cho bất cứ điều gì, đừng ngần ngại và cứ làm thôi. Chiến thắng sẽ là động lực và thất bại cho ta những bài học quý. 

TNEX – ngân hàng thuần số miễn phí tốt nhất Việt Nam.

#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!