Khủng hoảng kinh tế, người trẻ cần làm gì để sống sót qua “cơn bão”

Khủng hoảng kinh tế, để dễ hiểu, đó là khi các bạn, bạn bè, người thân bị mất việc, giảm sút thu nhập do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Thực tế là hiện nay các bạn phải chấp nhận tình trạng VUCA. Khái niệm “VUCA” mô tả về cuộc sống mà các bạn đang sống có 4 đặc trưng Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020 đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, gây tâm lý không chắc chắn về ngày mai so với những thế hệ trước ở những thập niên trước đây. Bạn cần làm gì để bình tĩnh và nắm thế chủ động giữa trạng thái VUCA và tồn tại, vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế của mình khi mất việc, mất thu nhập?

Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng thế nào với Gen-Z?

Ở những thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều bạn bè, người thân quen không may bị mất việc do các công ty đóng cửa, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, công ty bạn đang làm cũng không tăng trưởng như trước đây, ít hoặc không có thưởng hoặc tệ hơn là bạn bị giảm lương, nợ lương, thu nhập của bạn bị giảm sút nghiêm trọng và tệ nhất là bạn bị mất việc, mất nguồn thu nhập chính.

Thế hệ trẻ có lợi thế hơn đàn anh, đàn chị do tính cách năng động, sáng tạo cao hơn, dễ và nhanh thích nghi với biến chuyển của thời đại công nghệ; nhưng mặt khác, các bạn cũng cần năng cao khả năng chịu đựng khó khăn, “lì đòn” như các anh chị thế hệ trước. Để vượt qua khó khăn kinh tế do thu nhập bị giảm hay mất việc, các bạn tham khảo các chia sẻ sau đây:

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tới người trẻ

Cố gắng giữ lấy công việc, không kén chọn tìm việc mới, tìm thêm nhiều nguồn thu nhập

Khi kinh tế khó khăn, một số người bị thất nghiệp trong khi các bạn còn giữ được công việc thì là điều may mắn. Cuộc sống luôn có sự sàng lọc, các bạn nên biết rằng, chỉ có trau dồi chuyên môn giỏi thì mới “trụ” được trong “cơn bão” lay-off. Các bạn nên tập trung cho công việc hiện tại vì những cái lợi sau: thể hiện năng lực vượt trội để dễ thăng tiến về sau, là cơ hội để thử thách bản thân, học thêm những chuyên môn mới vì công ty sẽ giao bạn thêm nhiều việc vì muốn tăng năng suất nhân viên, bù cho những nhân sự kém chuyên môn hơn đã bị cho nghỉ. Các bạn không còn sống phụ thuộc gia đình nên đồng lương hàng tháng rất quý để chi tiêu cho các nhu cầu Cần, không chi tiền cho các nhu cầu Muốn. Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau Chi phí sinh hoạt một tháng cho dân văn phòng ở Sài Gòn

Bên cạnh đó, các bạn đã thấy rõ công việc không còn dễ dàng và thu nhập của bạn có nguy cơ giảm hoặc bị mất. Bạn nên chịu khó tìm thêm nhiều công việc bán thời gian làm thêm phù hợp. Càng nhiều việc làm thêm càng tốt như gia sư, gia công tại nhà, viết bài, bán hàng online, dịch thuật, giao hàng… Bạn nên chọn lọc, tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa mất tiền do tâm lý nôn nóng tìm việc làm thêm, chủ quan mất cảnh giác.

Nếu chẳng may công ty đóng cửa, bạn nên nhanh chóng tìm ngay những công việc khác dù mức lương có thể thấp hơn chút hoặc các công việc bạn có thể làm được dù không đúng chuyên môn, có việc – có thu nhập, dù không như trước nhưng có còn hơn không… bên cạnh đó, thu nhập không tăng hay bị giảm thì buộc chúng ta phải sắp xếp lại cách chi tiêu.

Khi đi làm, các bạn có đóng Bảo hiểm Xã hội, nay là lúc các bạn nộp đơn xin trợ cấp nếu chưa tìm được việc chính thức ngay. Khoản trợ cấp này, cùng với các khoản thu nhập làm thêm nói trên cũng đỡ phần nào các chi phí thiết yếu. Các bạn cũng nên tiếp tục mua bảo hiểm y tế ở địa phương để lỡ có ốm đau cũng tiết kiệm phần nào tiền thuốc men, chữa trị.

Triệt để tiết kiệm, giảm chi

“Những hẹn hò từ nay khép lại…” (lời bài hát Như một lời chia tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Bạn phải “chia tay” những nhu cầu Muốn như ly trà sữa buổi xế, hẹn hò ăn vặt, đi xem phim, “quẩy” cùng bạn bè, đồng nghiệp… Phải vậy thôi vì ai cũng đang khó khăn mà! Hội bạn thân có thể cùng thuê nhà và “share” tiền để giảm chi phí, hoặc bạn xin ở nhà người thân quen nếu gia đình ở xa. Tiền thuê nhà thường là khoản chi phí lớn nhất. Tuyệt đối không ăn tiệm, các bạn nên nên nấu ăn ở nhà, nấu ăn chung như thời còn sinh viên. Ngưng hẳn mua sắm mới quần áo, vật dụng, đăng “pass” lại quần áo, đồ dùng không cần thiết để có thêm nguồn tiền sống sót qua khủng hoảng. Những buổi họp nhóm làm việc nên chọn những địa điểm ngoài trời miễn phí như công viên, thư viện… Các bạn có thể tìm hiểu thử triết lý sống Minimalism, Lagom hướng đến lối sống tối giản, sống xanh. Đôi khi, những điều chỉnh này lại là hay, là dịp để các bạn chuyển hóa lối sống theo hướng tích cực hơn.

Tìm nguồn tài chính an toàn

Hẳn các bạn còn nhớ công thức 50%-30%-20% trong quản lý túi tiền của mình. Quỹ dự phòng nằm trong khoản 20% mà các bạn đã để dành tiết kiệm. Nếu trước đây các bạn có quỹ dự phòng để tiết kiệm trong TNEX thì là một điều may mắn tiếp theo. Nếu không đủ trang trải thì có thể tìm nguồn chi tiêu khác qua việc mượn cha mẹ, người thân trong gia đình, mỗi người 1 chút để đủ chi phí tối thiểu. 

Hết cách thì mới đành phải vay. Bạn cũng tính kỹ tiền lãi, phí hàng tháng và các khoản vay này phải được trả trước nhất khi bạn có tiền. Chúc các bạn luôn may mắn và vận dụng tốt những kiến thức tài chính cá nhân trong loạt bài này để vượt qua khủng hoảng!

#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!