5 bí kíp giúp bạn quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả

1. Đặt ra mục tiêu tài chính rõ ràng

Thông thường, mọi người rất dễ gặp vấn đề khi quản lý chi tiêu bởi không hề suy nghĩ hay tính toán về cách sử dụng tiền. Điều đó tạo nên thói quen chi tiêu một cách tùy ý và ngẫu hứng mà không theo bất kỳ đường hướng cụ thể nào, dẫn đến hiện tượng “vung tay quá trán”.

Bởi vậy, ngay từ bây giờ, bạn cần phải xác định rõ ràng mục tiêu tài chính của bản thân, từ đó xây dựng một kế hoạch chi tiết giúp bạn hoàn thành mục tiêu ấy. Không chỉ giữ cho bạn sự tập trung, một mục tiêu rõ ràng còn tiếp thêm động lực và thúc đẩy bạn mỗi ngày trên hành trình đạt được những điều mình mong muốn.

Có thể kể tên một vài mục tiêu tài chính ngắn hạn như mua một chiếc iPad, trả hết nợ ngân hàng,… hoặc các mục tiêu dài hạn như khởi nghiệp, lập gia đình, nghỉ hưu,…

2. Phân bổ chi tiêu hợp lý

Phân bổ nguồn tài chính là việc làm cực kỳ cần thiết, đem lại hiệu quả bất ngờ khi quản lý chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên, mỗi người lại có một sở thích và nhu cầu khác nhau, do đó không một phương pháp nào có thể áp dụng cho tất cả. Dưới đây sẽ là 3 phương pháp phổ biến nhất mà các bạn có thể tham khảo:

  • Phương pháp 6 cái lọ: Đây là một phương pháp trong cuốn sách “Bí mật tư duy triệu phú” của T. Harv Eker. Theo đó, bạn sẽ chia thu nhập của mình thành 6 khoản, tương đương với 6 mục đích khác nhau: chi phí sinh hoạt thiết yếu (55%), tiết kiệm dài hạn (10%), đầu tư vào tri thức (10%), hoạt động vui chơi giải trí (10%), trao cho người khác (5%) và cuối cùng là các khoản tự do tài chính (10%).
  • Phương pháp Kakeibo Nhật Bản: Được nhắc đến lần đầu vào năm 1904, Kakeibo đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật tiết kiệm điển hình của người Nhật. Bạn chỉ cần bỏ khoản tiền mình kiếm được vào 4 phong bì tương ứng với chi phí thiết yếu, chi phí không thiết yếu, chi phí đầu tư và chi phí phát sinh.
  • Phương pháp 50/20/30: Là quy tắc được áp dụng nhiều nhất hiện nay, phương pháp này đòi hỏi người thực hiện chia thu nhập theo tỷ lệ: 50% cho khoản mục thiết yếu, 30% cho các khoản mong muốn và 20% cho khoản tiết kiệm (hoặc trả nợ).

3. Thay đổi thói quen mua sắm để quản lý chi tiêu

Bất cứ ai trong số chúng ta đều ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Sức hấp dẫn từ mã khuyến mãi, flash sale đã đánh trúng tâm lý, và thế là giỏ hàng của chúng ta tích đầy những món đồ tuy rẻ nhưng không cần thiết, kém bền hoặc dễ hỏng hóc. Tình trạng này kéo dài sẽ gây lãng phí một khoản tiền không hề nhỏ bởi chúng ta rất nhanh sẽ phải sắm đồ dùng mới thay thế.

Trước khi mua đồ, bạn nên chuẩn bị một danh sách những mặt hàng thiết yếu và quan trọng, ước tính số tiền cần chi rồi sau đó cân nhắc để điều chỉnh sao cho hợp lý. Bạn cũng nên ưu tiên vật dụng có chất lượng tốt để đảm bảo thời gian sử dụng lâu dài, mặc dù giá của chúng thường khá cao nhưng về lâu dài có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

4. Tiết kiệm ngay sau khi có thu nhập

Kế hoạch quản lý chi tiêu dù cẩn thận đến đâu cũng khó tránh khỏi những khoản phí phát sinh. Khi nguồn thu nhập hiện tại không thể xử lý kịp thời, chúng ta cần một phương án dự phòng – tài khoản tiết kiệm trong ngắn hạn.

Hãy trích một phần thu nhập để gửi vào tài khoản này, vừa giúp bạn ứng phó với một số trường hợp khẩn cấp, vừa tránh tình trạng “vung tay quá trán” khi đang giữ quá nhiều tiền lương trong tay.

5. Sử dụng các app hoặc phần mềm quản lý chi tiêu cá nhân

Để công việc quản lý chi tiêu cá nhân trở nên nhẹ nhàng và đơn giản, rất nhiều ứng dụng (app) trên thiết bị smartphone cũng như các phần mềm đã ra đời, hỗ trợ chúng ta trong việc ghi chú hay theo dõi các khoản chi tiêu, tiết kiệm hay đầu tư của mình. Nhờ vào những cảnh báo mức chi tiêu hợp lý, người dùng hoàn toàn có thể kiểm soát được nguồn tiền của mình một cách dễ dàng.

Nổi bật trong số đó có thể kể đến các app như ứng dụng ngân hàng số thông minh TNEX, sổ thu chi Misa, Money Lover, Home Budget, Mavio,…

Trên đây là những bí kíp giúp quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả. TNEX hy vọng rằng qua bài viết trên, bạn có thể tìm được phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình, áp dụng vào đời sống thực tế để gạt đi những lo âu về vấn đề tài chính nhé!

 

#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!