3 Bí quyết giúp Gen Z An tâm tài chính cho năm mới

Một mùa tết lại vừa đi qua, và ví tiền lại xẹp dần bởi các khoản chi tiêu như quần áo mới, các buổi hẹn, các chuyến du lịch, hay quà cáp cho gia đình. Để khởi đầu năm mới, hẳn các bạn gen Z cũng có những dự định và mong muốn nhất định. Đó có thể là những chuyến du lịch trong và ngoài nước, mua thêm các vật dụng cần thiết như laptop, xe,.. hay nhiều hơn nữa là chăm lo cho gia đình, mua nhà ổn định cuộc sống.

Theo nền tảng Money With Mina, vững chãi an tâm về tài chính không có nghĩa bạn phải giàu, nhưng ý nghĩa ở đây là dù số tiền trong tài khoản của bạn như thế nào, bạn đã thực hiện việc quản lý tiền nong của mình nghiêm túc, và từ đó bạn chẳng có gì lo ngại cả trong các quyết định tài chính của mình. 

Đây là một chặng đường dài để đưa bản thân mình đến “sân ga” an tâm tài chính. TNEX sẽ mách gen Z từng bước nhỏ, bắt đầu với 3 bí quyết để vững vàng và an tâm tài chính cho năm nay.

1. Cách xác định mục tiêu tài chính cho năm mới

Mục tiêu trong năm phải gắn liền với mục tiêu dài hạn

Trước tiên, bạn cần cho xác định 3 mục tiêu quan trọng trong cuộc đời mình. Đây là mục tiêu đích đến tài chính, và thường có thời hạn trên 10 năm. Mục tiêu trong năm của bạn phải gắn liền với mục tiêu dài hạn này. Chẳng hạn, nếu 1 trong 3 mục tiêu quan trọng của bạn là có sức khỏe tốt, nhưng mục tiêu năm nay của bạn không hề nhắc tới việc bồi dưỡng sức khỏe mà là đầu tư… crypto để giống với bè bạn, đó là dấu hiệu cần xem xét.

Nhìn lại kết quả năm cũ

Nếu bạn đã đạt được mục tiêu tài chính trong năm cũ, đây là dấu hiệu bạn có thể đặt mục tiêu lớn hơn trong năm nay. Chẳng hạn như tăng mục tiêu tiết kiệm từ 10% lên 15% nguồn thu. Nếu năm ngoái bạn chưa thể hoàn thành mục tiêu, đây là dấu hiệu cần điều chỉnh con số thấp hơn để nâng cao từ từ, tránh việc nản lòng và bỏ cuộc giữa chừng.

Bạn có thể đánh giá khả năng đạt được mục tiêu dài hạn của mình và chỉnh sửa thêm nếu như không đúng với dự tính. Đơn cử, nếu bạn muốn mua nhà trong 3 năm tới, nhưng do khủng hoảng tài chính nên năm ngoái không tiết kiệm được nhiều tiền. Vậy thì lúc này kế hoạch mua nhà của bạn sẽ cần được điều chỉnh lại, có thể kéo dài lên 4 năm, hoặc đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn thu nhập năm nay nhiều hơn.

Các mục tiêu nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến việc dành dụm cho mục tiêu dài hạn. Chẳng hạn mua thêm bảo hiểm phòng thân, lập quỹ dự phòng cho 3-6 tháng, du lịch… Nếu những mục tiêu này sẽ có lợi cho bạn trong đường dài, thì đã đến lúc bạn thêm chúng vào danh sách cần làm, nhưng đừng quên bạn vẫn cần tăng tốc cho mục tiêu lớn.

Giải quyết tồn đọng năm cũ

Bạn sẽ không thể tiếp tục với những mục tiêu trong năm mới nếu vẫn trì hoãn những mục tiêu tài chính khiến bạn luôn căng thẳng khi nghĩ về. Ví dụ như giải quyết nợ tín dụng, tìm hiểu các gói bảo hiểm cho bản thân, học thêm kiến thức về tài chính.. Giải quyết các mục tiêu trong năm cũ sẽ giúp “dọn sạch” danh sách cần làm cho năm mới, giúp bản thân sẵn sàng thực hiện những đầu mục mới.

2. Phân tích dòng thu – Kiểm soát nguồn tiền

Phân tích là cho mình cơ hội nhìn lại năm qua trước khi bắt đầu lập kế hoạch. Có 2 yếu tố chính để bạn phân tích bao gồm: thu và chi. 

Đối với thu, nếu dòng thu quá thấp và không đạt được mục tiêu của năm trước, bạn cần xoáy sâu hơn để tìm ra vấn đề. Biết được nguyên nhân sẽ giúp bạn đưa ra giải pháp hợp lý, không bị tình trạng tương tự trong năm mới. Chẳng hạn như đa dạng nguồn thu (làm thêm nhiều đầu việc freelance, đầu tư nhiều nơi) hoặc nếu vẫn giữ một nguồn thu thì nên có kế hoạch tăng thu như tìm cách tăng hiệu quả công việc để tăng lương…

Đối với các nguồn chi, nếu như thu nhập của bạn cao nhưng đến cuối năm lại không tiết kiệm được bao nhiêu, thì đồng nghĩa bạn đã chi tiêu quá nhiều, hoặc phần trăm tiết kiệm của bạn đang còn thấp. Lúc này, bạn cần gia tăng tỷ lệ tiết kiệm/ thu nhập để tăng khoản tiết kiệm của mình, hạn chế chi tiêu bừa bãi. 

Phân tích xong, bạn sẽ có hướng giải quyết để kiểm soát thu-chi.

Chẳng hạn, đối với các bạn sống xa nhà, bạn sẽ tìm cách cân đối chi phí ăn ngoài và ưu tiên tự nấu ăn hơn, để có thể tiết kiệm tiền mà không phải ăn mì gói những ngày cuối tháng. 

Hoặc sau 3 tháng ghi chép tất cả các chi tiêu, bạn nhận ra rằng mình luôn nợ tín dụng, hoặc xài 105% dòng thu của mình. Bạn đang ngấp ngưỡng kiểu sống nợ nần, tháng nào hay tháng đó.

Mỗi chúng ta chỉ có 24h để kiếm tiền – 16h kiếm tiền bằng sức lực của bản thân, 8h kiếm tiền bằng đầu tư khi mình ngủ – vì thế sự ưu tiên thời gian và đánh giá mức độ tăng trưởng nguồn tiền có tốt và hiệu quả không sẽ rất cần thiết trong việc quản lý tài chính chung cho mình. 

3. Bắt tay hành động

Bạn có thể sử dụng quy tắc 50/30/20 trong quyển “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” của tác giả Senator Elizabeth Warren và Amelia Warren Tyagi. Quy tắc 50/30/20 gợi ý rằng,  bạn nên chia thu nhập thành 3 khoản bao gồm: nhu cầu thiết yếu (50%), sở thích cá nhân (30%), đầu tư và tiết kiệm (20%). Các quy tắc khác như 6 cái lọ, chúng tôi có chia sẻ ở link này.

Từ đó, bạn cần nhìn lại số tiền tiết kiệm trong năm qua của mình có đạt ít nhất 20% của dòng thu không. Việc này sẽ giúp bạn bắt đầu bằng lấp đầy quỹ dự phòng – số tiền 3-6 tháng lương cho bất trắc xảy ra như mất việc, và tích lũy đầu tư sinh lời cho mục tiêu dài hạn.

Để đảm bảo phần trăm tiết kiệm được ổn định, bạn cần kỷ luật. Hãy trích tự động hoá số phần trăm này mỗi tháng sang tài khoản khác. Sự phân biệt giữa 2 tài khoản, chi tiêu và tích luỹ, sẽ giúp những ai không kỷ luật hay có thói quen nhúng tay rút tiền đưa vào chi tiêu nợ. Nhắc nhở bản thân nếu bạn không tiết kiệm được ít nhất 5% mỗi tháng, bạn đã sống quá khả năng tài chính của mình.

Nếu phần tiết kiệm dư dả và bạn muốn tăng trưởng nguồn tiền của mình, bạn bắt buộc phải đầu tư ở các kênh tài chính khác nhau như chứng khoán, bất động sản, startup,…. Không đầu tư, bạn sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu tài chính tăng trưởng cho bản thân. Nên nhớ rằng, bạn chỉ đầu tư khi bạn đảm bảo trang bị đủ kiến thức về tài chính thị trường. Hoặc uỷ thác cho các nền tảng tài chính, quỹ chuyên nghiệp để giúp bạn xây dựng danh mục đầu tư lâu dài, phù hợp với hoàn cảnh tài chính của mình. 

Hi vọng những bí quyết từ TNEX sẽ giúp bạn có một năm rộng mở và an tâm hơn về tài chính.

#taichinh #quanlytaichinh #tietkiem #dautu #TNEX

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ để giúp chúng tôi nhé!